Ở tuổi 47 tôi nhận ra giá trị thói quen thành công

Thứ năm, 01/01/2015 | 00:00 GMT+7

GLX Cái giá của sự tùy tiện thời trẻ có thể trả, nhưng sau tuổi 30 sẽ khiến bạn phải nuối tiếc cả đời. Dường như mới chỉ hôm qua tôi còn đùa giỡn với bạn bè cái dáng vẻ của mình khi bước qua tuổi 30, vậy mà chớp mắt một cái tôi đã 47 tuổi rồi.



47 tuổi, cái gì cần trải cũng từng trải rồi, cái gọi là đạo lý nhân gian nó cũng đã vô tri vô giác khắc sâu vào tâm trí từ lúc nào không hay. Đến tuổi này, cuộc đời dạy tôi 9 điều sau:

1. Cuộc sống chính là sự cô đơn

Có trưởng thành thì mới ngộ ra rằng, cô đơn chính là trạng thái cơ bản của cuộc sống, mới là giai điệu chủ đạo của cuộc đời.

Không ai có thể đồng cảm với bạn về cách mà bạn nhìn nhận cuộc sống, bạn bè, thậm chí là những người thân bên cạnh cũng không thể. Đừng bao giờ động một chút là nói rằng bạn thất vọng, sẽ không tin tưởng ai nữa, hay suy nghĩ rằng "à, đến lúc này mới hiểu rõ lòng người".

Đau đớn, buồn bã hay tuyệt vọng, tất cả đều sẽ do bạn một mình chịu đựng. Không ai có thể ở bên cạnh bạn mãi mãi, cũng đừng bao giờ phụ thuộc, ỷ lại vào người khác. Điều bạn cần làm đó chính là tự mình trở nên mạnh mẽ, trưởng thành, sau đó đấu tranh để trở thành chỗ dựa cho người khác.

Con người đến với thế giới này chỉ có một mình, trưởng thành cũng sẽ chỉ có một mình. Chúng ta ai cũng có cuộc sống của riêng mình, có gia đình và một núi những chuyện lặt vặt hàng ngày cần phải lo toan.

Cuộc sống thực sự cần phải tự mình đi trải nghiệm. Đừng bao giờ trông chờ bất cứ ai có thể thấu hiểu bạn mãi mãi.

Khi bạn cắn răng chịu đựng mọi nỗi vất vả, khi bạn kiên cường vượt qua con đường cô độc đó một mình, bạn sẽ phát hiện ra mọi chuyện thực ra không khó khăn như bạn nghĩ. Đôi khi, cô đơn chính là tiền đề cho một kết quả tốt đẹp sau này.


2. Càng trưởng thành càng cần phải biết tạo lập thói quen

Càng lớn càng phải biết giữ gìn thói quen. Tạo thói quen và duy trì nó ở tuổi 30 quan trọng hơn việc tạo thói quen ở độ tuổi 20.

Bởi vì khi ở độ tuổi 20, dù chẳng tập luyện gì nhưng vì tuổi còn trẻ nên bạn luôn luôn tràn đầy sức sống, năng nổ, hoạt bát, nhưng khi đã bước vào tuổi 30 thì thứ thay đổi rõ ràng nhất đó chính là vóc dáng. Chỉ cần sơ ý không kiểm soát tốt một chút thì một khi đã phát tướng ra là bạn sẽ không thể kiềm lại được. Và rồi kết quả là một thân hình mà chúng ta hay nói vui đó là "xập xệ".

Khi còn trẻ, thức đêm là chuyện nhỏ, hôm trước thức đêm, hôm sau vẫn có thể làm việc này việc kia, ngủ một giấc thật say là có thể hồi phục lại tinh thần. Nhưng sau tuổi 30, 40 thì không được như vậy nữa, bạn rất khó có thể cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Một đêm mất ngủ có thể khiến bạn mất đến một tuần nghỉ ngơi để bù lại, tiện thể thì những lần thức đêm như vậy còn mang lại cho bạn combo quầng thâm + da nhợt nhạt, thậm chí là bệnh tật.

Giữ gìn cơ thể, cân bằng tốt giữa làm việc và nghỉ ngơi, bắt buộc phải tạo cho mình một thói quen và kiên trì với nó là điều không dễ dàng gì.

Cái giá của sự tùy tiện thời trẻ bạn hoàn toàn có thể trả, nhưng cái giá cho sự tùy tiện tuổi 30 có thể sẽ khiến bạn phải nuối tiếc cả đời.


3. Đừng chờ đợi mọi thứ

Lúc trước tôi luôn quan niệm rằng cuộc sống thì cần phải có kế hoạch, cần phải có sự chuẩn bị, mục tiêu luôn phải rõ ràng, nhưng không, sau này tôi hiểu ra rằng cuộc sống là một kịch bản phức tạp, cứ bình thản nghênh đón nó một cách kịp thời, vui vẻ, đó mới là sự an bài tuyệt vời nhất.

Có câu: "mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên", dù có lên kế hoạch chi tiết đến đâu đi chăng nữa thì bạn cũng không thể biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Cũng giống như việc đã lên kế hoạch đi du lịch vào ngày 11 trước đó cả tháng trời nhưng ngày mồng 9 ông xã lại bị bệnh. Cuộc sống là vậy, luôn thích đem đến cho người ta những điều bất ngờ, vậy thì tại sao lại phải lo lắng thay vì vui vẻ đón nhận và tìm hướng giải quyết.

Thích ăn gì đừng chần chừ hãy đến ngay nhà hàng đó, thích bộ quần áo nào hãy lập tức mua, thích một ai đó, hãy dũng cảm tỏ tình.

Cuộc sống không đợi ai cả, và một trong những điểm thú vị nhất của cuộc sống đó là khó lên kế hoạch, con người đôi lúc đừng nghĩ đến những chuyện quá xa vời, muốn làm chuyện gì tuyệt đối đừng bao giờ chờ đợi.

4. Đừng nói gì trước khi mọi thứ được thực hiện

Cuộc sống tồn tại một định luật khá trớ trêu: chỉ cần là chuyện tốt mà được nói ra hay chia sẻ với người khác thì kết quả thường sẽ không tốt, giống như các cụ hay nói: nói trước bước không qua.

Để tránh những tình huống trớ trêu như vậy xảy ra, cách tốt nhất là hãy quản cho tốt cái miệng của mình, chuyện chưa thành thì đừng nói từ "chắc chắn", đợi đến khi việc đã thành rồi lúc đó mới chia sẻ, công bố với mọi người cũng chưa hề muộn.


5. Dục vọng sẽ hạn chế hạnh phúc của chúng ta

Có người hỏi Đậu Văn Đào rằng anh ấy hạnh phúc nhất là khi nào, anh trả lời rằng, hạnh phúc là khi không phải người nổi tiếng, khi có bạn cùng phòng, hay mỗi ngày dù phải làm việc cật lực nhưng mỗi khi hoàn thành xong một hạng mục nào đó liền cảm thấy rất có thành tựu.

Càng trưởng thành, mục tiêu ban đầu càng nhiều, ước mơ càng ngày càng lớn thì cũng là lúc lo âu, mất ngủ, buồn bã tìm đến với bạn.

Lúc còn trẻ cái gì cũng không muốn, mỗi ngày đều bị cuốn vào cái gọi là sở thích, thời gian cứ thế trôi qua, ngoảnh mặt nhìn lại mới nhận ra thì ra đó chính là khoảng thời gian chân thực nhất, thoải mái nhất.

Con người từ khi nào đã bắt đầu không còn cảm thấy hạnh phúc nữa? Chính là bắt đầu từ lúc có người chú ý đến bạn, từ lúc bạn cảm thấy mình tồn tại, mình được công nhận, mình có giá trị.

Bạn càng ưu tú thì dục vọng lại càng cao, khi người ta bắt đầu có dục vọng thì sự không vui cũng theo đó mà tìm đến với bạn.

Nhiều người hay hoài niệm về quá khứ nhưng không phải họ hoài niệm về cái cuộc sống nghèo khó trước kia mà chỉ đơn giản là muốn cảm nhận lại cái nội tâm an nhiên, bình thản khi đó. Bớt đi một chút dục vọng, thay vào đó tận hưởng những thứ bình thường nhiều hơn một chút, niềm vui, niềm hạnh phúc của những người bình thường chưa chắc đã ít hơn những người thành công.


6. Hãy học cách khoan dung, đối xử tốt với người khác

Cuộc sống chẳng qua là sự tổng hợp của mỗi giây, mỗi phút, mỗi đêm, mỗi ngày, tất cả sự may mắn của bạn đều đang ẩn giấu trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Lúc tức giận hãy kiềm chế lại một chút, lúc gặp chuyện không công bằng, hãy bao dung hơn một chút, nhiều khi bỏ qua cho một ai đó cũng là một cách giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn.

7. Càng trưởng thành càng phải tò mò

Sự khác biệt lớn nhất giữa người trẻ và người già không nằm ở tuổi tác mà chính là sự nhanh nhẹn, linh hoạt về mặt tinh thần mà biểu hiện rõ nét nhất chính là sự tò mò.

Tò mò làm người ta trẻ hơn, làm người ta cảm nhận được sâu sắc rằng mình vẫn đang tồn tại trên thế giới này.

Có nhiều lúc càng lớn tuổi thì càng cảm thấy không có hứng thú với chuyện gì, hoặc có thể cảm thấy bản thân đã chiêm nghiệm đủ sắc màu cuộc sống, biết thế nào là nhân tình thế thái rồi nên không cảm thấy còn gì thú vị nữa.

Thế giới rộng lớn như vậy, không cần biết tri thức của bạn phong phú đến đâu, bạn cũng cần phải giữ được tính tò mò. Chỉ cần bạn bằng lòng đi xem, đi nghe, đi học hỏi, bằng lòng hỏi nhiều thêm một câu, bằng lòng thử nghiệm những thứ mới mẻ thì tinh thần của bạn mãi mãi không bao giờ già.


8. Chỉ cần có sở thích thì dù có viển vông đến mấy cũng không sao

Khi trưởng thành, muốn bản thân trở nên vui vẻ thì nhất định phải có một sở thích nào đó.

Sở thích đó không nhất thiết phải vô cùng vĩ đại, nó có thể chỉ đơn giản là chơi bài, đi bộ mỗi ngày hay ngâm mình trong bồn tắm. Sở thích đó không cần nhiều người hiểu, dù nó có chút viển vông, cổ quái cũng không sao cả.

Chỉ cần có chuyện gì đó khiến bạn trong lúc chán nản có thể trở nên vui vẻ hơn, lúc bạn buồn bã có thể khiến tinh thần bạn phấn chấn hơn, lúc bạn sụp đổ thắp sáng hi vọng cho bạn, vậy là đủ rồi.

Giống như chúng ta lúc nào cũng hi vọng cha mẹ sau khi nghỉ hưu có thể đi khiêu vũ, leo núi, chơi thể thao... chỉ cần họ không chỉ ở nhà không có việc gì làm thì việc có chuyện mà họ thích làm đã là rất tốt rồi.

9. Bình thản tiếp nhận mọi thứ
Bình thản tiếp nhận những việc không được như ý muốn, chấp nhận việc mình có lẽ không có gì nổi bật, chấp nhận việc mình không xinh đẹp, không thông minh hay không may mắn, chấp nhận sự thật mà không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp nhận.
Nhiều khi chúng ta luôn cảm thấy lo âu, vướng mắc, đó là bởi vì chúng ta không chịu chấp nhận hiện thực, không chịu chấp nhận rằng người mà chúng ta không thích lại giỏi hơn chúng ta.
Chấp nhận thất bại, thừa nhận cuộc sống của mình không hoàn hảo, đây cũng là một loại dũng khí, hơn hết nó khiến bạn trở nên nhẹ nhõm, thoải mái hơn.
Hãy nhớ rằng, sự dũng cảm lớn nhất của cuộc đời đó chính là chấp nhận.

Lê Dũng / GLX

 Tags

Bình luận

Tin cũ hơn

Xem thêm
3.1k 1.6k